Thượng Lâm là một xã vùng cao nằm ở phía Đông Nam của huyện Lâm Bình, cách trung tâm huyện lỵ 15km. Phía Đông giáp xã Khau Tinh và xã Côn Lôn, huyện Na Hang; phía Nam giáp xã Năng Khả, huyện Na Hang; phía Bắc giáp xã Sinh Long, huyện Na Hang; phía Tây giáp xã Khuôn Hà và thị trấn Lăng Can, huyện Lâm Bình.
Thượng Lâm là trung tâm giữa hai huyện Lâm Bình và huyện Na Hang bao gồm 14 thôn bản: Nà Ta, Cốc Phát, Nà Lung, Khuôn Hon, Bản Bó, Nà Bản, Nà Niềm, Bản Chợ, Nà Tông, Nà Thuôn, Nà Đông, Nà Va, Nà Lồng, Khao Đao.
Trong lịch sử hình thành, người Tày trong mối quan hệ đan xen và giao lưu với các dân tộc Dao, Mông, Nùng, Pà Thẻn... Người Tày là tộc người cư trú lâu đời nhất ở Tuyên Quang, cùng các dân tộc Dao, Mông, Nùng, Pà Thẻn… tạo dựng nhiều truyền thống tốt đẹp nhưng vẫn bảo lưu được những nét đặc sắc của văn hóa tộc Tày.
Người Tày ở Tuyên Quang có dân số đứng thứ hai sau người Kinh. Theo tổng điều tra dân số năm 2009, tổng số người Tày ở Tuyên Quang là 185.464 người, chiếm 25,6% dân số toàn tỉnh và 22,5% tổng số người Tày tại Việt Nam. Người Tày cư trú ở hầu khắp các huyện trong tỉnh Tuyên Quang, trong đó, tại huyện Lâm Bình có số lượng người Tày tương đối đông, đặc biệt là xã Thượng Lâm. Người Tày ở xã Thượng Lâm là cư dân bản địa, chiếm 75% dân số toàn xã. Dân tộc Tày xã Thượng Lâm mang những nét đặc trưng chung của dân tộc Tày ở Tuyên Quang nói riêng cũng như dân tộc Tày ở Việt Nam nói chung.
Làng Văn hóa Nà Tông, xã Thượng Lâm gồm có 128 hộ gia đình và có 532 nhân khẩu, dân tộc Tày chiếm đa số có 125 hộ, 2 hộ người Kinh, 1 hộ người Dao.
Làng Văn hóa Nà Đông, xã Thượng Lâm gồm có 81 hộ gia đình và có 364 nhân khẩu, dân tộc Tày chiếm đa số có 77 hộ, 2 hộ người Kinh, 2 hộ người Dao.